TNUT

Giới thiệu về Trường Đại học Kỹ thuật Công Nghiệp Thái Nguyên

1. Giới thiệu chung:

Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp là đơn vị thành viên của Đại học Thái Nguyên.

Nhà trường được thành lập ngày 19 tháng 8 năm 1965 theo Quyết định số 146/CP của Chính phủ với tên gọi Phân hiệu Đại học Bách khoa tại Thái Nguyên, trực thuộc Bộ Cơ khí và Luyện kim. Năm 1966, Chính phủ ra quyết định số 206/CP đổi tên phân hiệu Bách khoa thành Trường Đại học Cơ điện do Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp quản lý. Tháng 10 năm 1976, Trường Đại học Cơ Điện được đổi tên thành Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Việt Bắc. Năm 1982, theo quyết định số 332/CP của Chính phủ, sáp nhập trường Trung học Công nghiệp Miền núi vào trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Việt Bắc và Trường được đổi tên thành Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên. Ngày 04 tháng 4 năm 1994, Chính phủ ra Nghị định số 31/CP về việc thành lập Đại học Thái Nguyên, trường trở thành đơn vị thành viên với tên gọi là Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp.

Là trường công lập lâu đời, đa ngành về kỹ thuật và công nghệ; đào tạo từ kỹ sư, cử nhân đến thạc sỹ và tiến sỹ với 25 chương trình đào tạo Đại học và 05 chuyên ngành đào tạo sau Đại học.

Từ năm 2008, trường đã triển khai 02 chương trình tiên tiến ngành kỹ thuật cơ khí và kỹ thuật điện dạy bằng tiếng Anh trong số 35 chương trình của nhà nước. Ngoài ra, nhà trường còn triển khai nhiều chương trình liên kết đào tạo và các nước trên thế giới.

Hiện tại, nhà trường đang triển khai đổi mới mạnh mẽ nhằm đạt chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế trong đó tập trung nâng cao trình độ ngoại ngữ cho giảng viên và sinh viên; dạy, học, NCKH và CGCN theo mô hình của Hoa Kỳ, tham khảo chương trình đào tạo quốc tế, sử dụng sách giáo khoa bằng tiếng Anh, tạo ra sản phẩm khoa học cụ thể; xây dựng môi trường sống và học tập như các trường đại học nước ngoài. Hiện tại, tất cả giảng viên của trường đều có phòng làm việc riêng, 80% giảng viên của trường đạt điểm TOEFL - ITP 450 vào cuối 2014 và trên 500 vào cuối năm 2015. Hầu hết các học phần kỹ thuật và công nghệ sẽ sử dụng tiếng Anh làm giáo trình giảng dạy từ năm học 2014-2015.

2. Sứ mạng và tầm nhìn:

a/ Sứ mạng:

Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp là đơn vị thành viên của Đại học Thái Nguyên, có sứ mạng đáp ứng những nhu cầu về cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý trong lĩnh vực công nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và cả nước. Thực hiện sứ mạng đó, trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp có nhiệm vụ:

+ Đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học côn nghệ có trình độ đại học và trên đại học (thạc sỹ và tiến sỹ), phục vụ trong sản xuất công nghiệp của các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và cả nước.

+ Triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng Khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất công nghiệp của các cơ sở kinh tế trong khu vực miền núi phía Bắc và cả nước.

+ Mở rộng và tang cường phát triển quan hệ hợp tác chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu,các công ty, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, có cả hình thức liên kết đào tạo hai giai đoạn với các cơ sở đào tạo nước ngoài.

b/ Tầm nhìn:

Mục tiêu của đổi mới giáo dục đại học tại trường Đại học KTCN là đào tạo ra những cán bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ có khả năng cải tiến và sáng tạo ra những sản phẩm công nghiệp mới, thích ứng nhanh với môi trường công tác đa dạng và phong phú. Ngoài ra, Nhà trường phải trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học ứng dụng thật sự nhằm triển khai thiết kế, chế tạo những sản phẩm phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện thành công mục tiêu trên, Nhà trường không có con đường nào khác là phải vượt ra khỏi biên giới quốc gia để học tập, hội nhập và phát triển Nhà trường.

3. Chiến lược phát triển

+ Chủ động giảm quy mô tuyển sinh hệ đại học chính quy xuống còn khoảng 1.500 sinh viên cho tương xứng với nguồn nhân lực của Nhà trường.

+ Tập trung tang cường năng lực của đội ngũ về chuyên môn nghiệp vụ và đặc biệt chú trọng đến năng lực sử dụng tiếng Anh. Quyết tâm đến hết năm 2013, giảng viên nam sinh sau năm 1966, nữ sinh sau năm 1971 có điểm TOEFL – ITP đạt 450 và đến cuối năm 2014, đạt 500.

+ Tăng cường tương tác thầy trò trong và ngoài lớp học thông qua việc giảm sĩ số sinh viên các lớp học phần lớn, xây dựng phòng làm việc cho giảng viên và bắt buộc giảng viên (đủ định mức giảng dạy) phải bố trí ít nhất 1 buổi/1 tuần sinh viên đến hỏi bài tại phòng làm việc. Các giảng viên không đủ định mức phải làm việc tại phòng làm việc theo giờ hành chính để trả lời cho sinh viên.

+ Gắn liền Nhà trường với gia đình và xã hội tạo kênh liên hệ trực tieps giữa Nhà trường và gia đình để phối hợp giáo dục sinh viên.

+ Rà soát, điều chỉnh và xây dựng mới các chương trình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của xã hội và đồng thời tiếp cận với trình độ của khu vực và quốc tế.

+ Tăng cường cơ sở vật chất để tạo ra môi trường làm việc thân thiện và tiên tiến cho giảng viên, cán bộ viên chức cũng như môi trường sống, sinh hoạt học tập tiên tiến cho sinh viên.

+ Các hoạt động khoa học, chuyển giao công nghệ, quan hệ với cộng đồng, xã hội phải đảm bảo mang tính thực tiễn cao và thực sự đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

+ Có các chính sách đãi ngộ cao với cán bộ viên chức trên cơ sở định hướng khối lượng và hiệu quả công việc của cá nhân.

4. Cơ cấu tổ chức:

Hiện tại, Nhà trường có 25 đơn vị trực thuộc, bao gồm: 12 đơn vị chức năng, 12 đơn vị đào tạo (10 Khoa, Bộ môn chuyên môn và 2 Trung tâm) và Viện nghiên cứu phát triển công nghệ cao về kỹ thuật công nghiệp. Hiện, Nhà trường có 70% giảng viên có trình độ từ Thạc sỹ trở lên.

5. Cơ sở vật chất:

a/ Hệ thống giảng đường

- Hệ thống giảng đường của Nhà trường hiện có: 3 giảng đường 500 chỗ ngồi, 10 giảng đường 200 chỗ ngồi, 20 giảng đường 100 chỗ ngồi và 40 hội trường từ 50 đến 75 chỗ ngồi. Tất cả các giảng đường đều được trang bị các thiết bị hỗ trợ giảng dạy hiện đại như máy tính, tăng âm, projector, overhead, hệ thống kết nối internt không dây, máy chiếu data show…vv.

- Hệ thống thông tin: Khu làm việc, giảng đường, khuôn viên đều được phủ mạng Wifi, Internet.

b/ Điều kiện thực hành, thí nghiệm và thực tập

- Trung tâm thí nghiệm bao gồm các phòng thí nghiệm cơ sở và chuyên ngành hiện đại phục vụ cho các phần kỹ thuật trong chương trình đào tạo.

- Trung tâm thực nghiệm bao gồm xưởng cơ khí và xưởng điện phục vụ cho thực tập cơ sở và thực tập kỹ thuật của sinh viên.

- Thực tập tốt nghiệp tại các công ty, nhà máy, doanh nghiệp quy mô lớn tại Thái Nguyên và các tỉnh lân cận.

c/ Ký túc xá và các cơ sở vật chất khác

- Ký túc xá: Nhà trường có 6 nhà KTX 5 tầng khép kín thỏa mãn yêu cầu chỗ ở và sinh hoạt cho hơn 5000 sinh viên.

Nguồn điện nước và các dịch vụ hỗ trợ hợp lý, thuận tiện cho học viên từ các tỉnh xa về học tập tại Trường.

- Nhà ăn: có thể phục vụ được hàng ngàn sinh viên, hệ thống dịch vụ phục vụ có khả năng phục vụ sinh hoạt của đa số của sinh viên của trường.

- Khuôn viên rộng, đẹp, nhiều cây xanh;

- Cơ sở vật chất khác: Hệ thống nhà làm việc của các phòng ban, khoa, bộ môn được trang bị máy tính và nối mạng Internet. Ngoài ra, Trường còn có sân bóng chuyền, sân cầu long phục vụ cho sinh viên chơi thể thao sau những giờ học căng thẳng.

d/ Thư viện

- Thư viện của Nhà trường với 3 phòng đọc có diện tích 900 m2, 3 phòng mượn với diện tích 90 m2/phòng, 1 phòng nghiệp vụ với diện tích 30 m2, hơn 300 máy vi tính kết nối Internet phục vụ công tác quản lý điều hành, giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Thư viện hiện có khoảng 40.000 đầu sách các loại, trên 50 đầu báo, tạp chí và lien tục được cập nhật, bổ sung hàng năm.

- Thư viện được đầu tư lớn về trang thiết bị, máy móc và phần mềm nghiệp vụ thư viện hiện đại (ILIB) và được đầu tư, phát triển theo hướng tin học hóa, sẵn sang kết nối dữ liệu với Trung tâm học liệu Đại học Thái Nguyên, đây là 1 trong 3 trung tâm học liệu hiện đại nhất Việt Nam do tổ chức Đông tây hội ngộ, Hoa Kỳ tài trợ và từ đó kết nối với nhiều Trung tâm thư viện trong nước và quốc tế. Thư viện là một bộ phận hữu cơ trong cơ cấu tổ chức đào tạo của Nahf trường, phục vụ quá trình đào tạo sinh viên Đại học, Cao học và Nghiên cứu sinh; góp phần phục vụ đào tạo lại; nâng cao trình độ chuyên môn của các cán bộ giảng dạy và nghiên cứu.

6. Hợp tác Quốc tế trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học

Nhà trường đã tổ chức tốt việc chuẩn hóa tiếng Anh cho giảng viên theo chuẩn Toefl-ITP với kết quả là đã đánh giá tieegns Anh cho gần 550 lượt giảng viên và sinh viên, mở 11 lớp bồi dưỡng tiếng Anh cho giảng viên, 7 lớp tiếng Anh cho giảng viên. Giảng viên đạt chuẩn 400 đến dưới 450 là 87, từ 450 đến dưới 500 là 80, giảng viên đạt chuẩn 500 trở lên và thành thạo là 65, tổ chức 3 lớp tiếng Nhật tại trường, phát triển quan hệ hợp tác với 3 trường Đại học ở Đức, Czech, Pháp và 5 trường Đại học ở Hoa Kỳ, tổ chức 2 đoàn ra Hoa Kỳ và Châu Âu, ký được 3 MOU. Đón 18 lượt giảng viên nước ngoài giảng dạy cho sinh viên CTTT. Trong năm, 50 lượt cán bộ và giảng viên của nhà trường đã được cử đi tham quan, học tập và trao đổi tại các trường Đại học, các trung tâm nghiên cứu ở các nước Mỹ, Đức, Pháp và các nước phát triển khác. Hàng chục sinh viên của Nhà trường cũng được cử đi học tập, thực tập trong khuôn khổ các chương trình tiên tiến, chương trình 2+2, và các chương trình trao đổi sinh viên khác. Trong năm 2013, Đội tuyển sinh viên TNUT đã lọt vào TOP 15 của Cuộc thi Kỹ thuật Công nghiệp giữa các trường Đại học đến từ Australia, khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc – IECOM 2014.

Nhà trường đã triển khai được 02 chương trình tiên tiến nhập khẩu từ Hoa Kỳ, 100% sinh viên tốt nghiệp từ chương trình tiên tiến này đã được các doanh nghiệp trong nước và liên doanh nước ngoài đón nhận. Ngoài ra, nhà trường đã mở được 02 ngành đào tạo theo chương trình 2+2. Chương trình hợp tác với Đại học Sơn Đông – Trung Quốc đã mở được khóa thứ 2 và được sinh viên đánh giá cao. Chương trình 2+2 hợp tác với đại học Kyungpook – Hàn Quốc đã được phê duyệt và được Samsung Việt Nam đặt hàng đào tạo kỹ sư kỹ thuật điện tử phục vụ cho các cơ sở sản xuất của tập đoàn này ở Việt Nam.

Sinh viên có thể tham khảo quy chế đào tạo của nhà trường tại đây

Tin mới hơn

Tin cũ hơn